Thông tin thị trường 14.12.2022

FOREX USD: vị vua chưa sẵn sàng thoái vị Sau giai đoạn ẩn mình chờ thời, phe bán USD nay đã vào cuộc. Sau khi tăng 16% trong 10 tháng đầu năm, chỉ số Đô la Mỹ (DXY), một đại lượng đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ các loại tiền tệ khác, đã trượt dốc 5% trong tháng 11, tương ứng với tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 09/2010. Kể từ đó, chỉ số DXY đã giảm thêm 1% do mức tăng giá tiêu dùng trong tháng 11 thấp hơn dự kiến. Kết quả này đã làm dấy lên một số tin đồn mới rằng đồng tiền của Hoa Kỳ đã chạm đỉnh sau khi được thúc đẩy nhờ các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed, nền kinh tế nội địa khỏe mạnh và giữ vững vị thế là kênh tài sản trú ẩn an toàn của thế giới. Dựa trên đa số các thước đo giá trị, đồng Đô la lẽ ra không mạnh đến mức đó. Nhưng trên thực tế đồng tiền này sẽ vẫn đắt giá như vậy.

Theo nghiên cứu từ Deutsche Bank, đợt tăng giá kéo dài 11 năm qua đã khiến đồng bạc xanh trở thành đồng tiền được định giá cao nhất thế giới. Khi xét sức mua tương đương theo phép ước tính tỷ giá hối đoái tối ưu bằng cách đánh giá chi phí hàng hóa và dịch vụ ở mỗi quốc gia, đồng Đô la đang đắt hơn gần 35% so với mức hợp lý. Theo các thước đo giá trị hợp lý dựa trên các yếu tố kinh tế cơ bản như số dư tài khoản vãng lai và tỷ lệ thất nghiệp, đồng bạc xanh đang cao hơn khoảng 20% so với mức “chuẩn”.

HÀNG HÓA Vàng tăng vọt 2% khi dữ liệu CPI của Hoa Kỳ ủng hộ kịch bản Fed tăng lãi suất chậm lại Giá vàng đã tăng hơn 2% vào ngày thứ Ba lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng trở lại đây sau khi dữ liệu cho thấy mức tăng giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ thấp hơn dự kiến, từ đó đã củng cố cho kịch bản Cục Dự trữ Liên bang sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.

Giá vàng giao ngay tăng 2,1% lên mức 1.817,64 USD/ounce vào lúc 14:36 theo giờ GMT, đạt mức cao nhất kể từ ngày 30/06. Giá vàng giao sau của Mỹ tăng 2,2% lên mức 1.830,90 USD.

NĂNG LƯỢNG Dầu tăng lên hơn 80 USD/thùng khi đồng Đô la sụt giảm do lạm phát hạ nhiệt lại Dầu tăng lên hơn 80 USD/thùng vào ngày thứ Ba khi giới đầu tư mua vào các tài sản rủi ro sau khi dữ liệu về nền kinh tế Hoa Kỳ cho thấy lạm phát tại nước này đang tăng chậm lại.

Thị trường dầu cũng khởi sắc do lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung, trong đó phải kể đến cả sự cố ngừng hoạt động liên tục của đường ống dẫn dầu thô Keystone từ Canada đến Hoa Kỳ sau một vụ rò rỉ lớn.

Giá dầu thô Brent giao sau tăng 2,85 USD, tương đương 3,4%, lên mức 80,84 USD/thùng lúc 11:41 sáng theo giờ EDT (16:41 theo giờ GMT). Hợp đồng tương lai dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Hoa Kỳ tăng 2,49 USD, tương đương 3,4%, lên mức 75,66 USD.

CỔ PHIẾU Phố Wall lạc quan theo một cách thận trọng khi lạm phát hạ nhiệt, từ đó nâng cao hy vọng tăng lãi suất nhỏ hơn Chứng khoán Phố Wall tăng vọt vào ngày thứ Ba nhưng sau đó điều chỉnh trở lại vào đầu giờ chiều. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và đồng Đô la suy yếu khi dữ liệu mới công bố của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy tốc độ tăng lạm phát hàng năm đứng ở mức nhỏ nhất trong gần một năm qua.

Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,1% trong tháng trước sau khi tăng 0,4% trong tháng 10. Các chuyên gia kinh tế tham gia đợt khảo sát của Reuters trước đó từng đưa ra dự báo CPI sẽ tăng 0,3%.

Kết quả tăng chậm lại của các chỉ số lạm phát có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu cân nhắc giảm bớt quy mô tăng lãi suất vào ngày thứ Năm.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới ngưỡng 3,5% sau khi chỉ số lạm phát đạt mức thấp hơn dự kiến. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm vào ngày thứ Ba sau khi dữ liệu thống kê cho thấy lạm phát tăng ít hơn dự kiến trong tháng 11, làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang hạ tốc độ tăng lãi suất.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm hơn 16 điểm cơ bản xuống còn 3,447%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm hơn 21 điểm cơ bản xuống còn 4,187%.

Lợi suất và giá trái phiếu di chuyển ngược chiều nhau và một điểm cơ bản tương đương với 0,01%.

messenger