Thông tin thị trường 18.04.2023

Kinh tế - Chính trị
Bắc Mỹ Số giấy phép xây dựng được cấp tại Mỹ trong tháng 3 theo ước tính sơ bộ dự kiến sẽ đạt 1,45 triệu – thấp hơn so với mức 1,55 triệu trong tháng 2. Kết quả này sẽ cho thấy thị trường bất động sản Mỹ hiện vẫn đang phải đối mặt với sức ép lớn khi lạm phát cao và lãi suất tăng tiếp tục kìm hãm nhu cầu của người mua nhà.

Tại Canada, tỷ lệ lạm phát trong tháng 3 được dự báo tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức 5,2% trong tháng 2. Tỷ lệ lạm phát cốt lõi (đã loại bỏ những mặt hàng có giá biến động cao như lương thực thực phẩm và nhiên liệu) cũng được dự báo hạ nhiệt, nhưng ở mức nhẹ hơn, giảm từ mức 4,7% trong tháng 2 xuống còn 4,4% trong tháng 3. Kết quả này cho thấy, các nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) nhằm kiềm chế đà leo thang giá cả, đã dần có hiệu lực. Hiện BOC đã tạm dừng tăng lãi suất để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế, dù tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%. Giới chức BOC tin tưởng, các đợt tăng lãi suất mạnh tay trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2023 là đủ mạnh để kiểm soát lạm phát.

Châu Âu Viện Nghiên cứu Kinh tế ZEW sẽ công bố kết quả khảo sát chỉ số tâm lý kinh tế tháng 4 tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Đức. Dự kiến, chỉ số tâm lý kinh tế tại Eurozone sẽ tăng từ mức 10 trong tháng 3 lên 13 trong tháng 4. Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, chỉ số này cũng dự kiến ghi nhận sự cải thiện từ mức 13 trong tháng 3 lên 15,3 trong tháng 4. Đây là dấu hiệu cho thấy bầu không khí tại châu Âu đã trở nên lạc quan hơn trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, và nền kinh tế có triển vọng tránh được suy thoái trong năm nay.

Tại Vương quốc Anh, thị trường việc làm được dự báo vẫn ổn định, với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 2 được dự báo tiếp tục duy trì ở mức 3,7% như tháng trước đó. Số việc làm trong tháng 1 được dự báo tăng thêm 50 nghìn vị trí, thấp hơn so với mức 65 nghìn vị trí việc làm mới trong tháng 12/2023.

Châu Á Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới công bố số liệu GDP quý I. Các chuyên gia đang đưa ra nhiều ước tính khác nhau, khi dự đoán GDP của Trung Quốc có thể tăng từ 3,8 – 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 2,9% trong quý IV/2023. Các số liệu về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp đều được dự báo sẽ có sự cải thiện, trong khi đầu tư tài sản cố định có thể giảm tốc nhẹ. Các báo cáo sắp công bố sẽ cung cấp cho thị trường cái nhìn rõ nét hơn về mức độ phục hồi thực sự của nền kinh tế Trung Quốc sau khi các chính sách phòng dịch zero-COVID được dỡ bỏ.

Thị trường cũng sẽ dành sự quan tâm tới biên bản họp sắp được công bố của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), để có thêm thông tin về quan điểm của giới hoạch định chính sách. Hồi đầu tháng này, RBA đã quyết định tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi đã tiến hành 10 đợt tăng liên tiếp, với mức tăng tổng cộng 3,5% kể từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, RBA vẫn cho biết có thể tiến hành một đợt tăng mới vào tháng 5 tới, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục tăng cao.

messenger