Ưu nhược điểm khi đầu tư vào AT&T trong năm 2023

Gã khổng lồ viễn thông mang lại tỷ suất cổ tức hấp dẫn, nhưng có ít nhất một chỉ số hiệu suất chính đáng lo ngại.

Ý CHÍNH

Lượng khách hàng của AT&T tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Doanh thu quý I tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng dòng tiền tự do giảm.

Dù vậy, AT&T dự kiến sẽ đạt được mục tiêu dòng tiền tự do năm 2023 là 16 tỷ USD.

Cổ phiếu AT&T (T) là một lựa chọn hấp dẫn đối với nhà đầu tư thu nhập nhờ cổ tức cao, với tỷ suất cổ phiếu hiện tại là gần 7%. Mặc dù vậy, với vị thế là một trong những công ty viễn thông lớn nhất nước Mỹ, AT&T không phải là một khoản đầu tư dễ để đánh giá.

Một loạt các thương vụ mua lại tốn kém trong mảng giải trí cách đây vài năm đã khiến công ty phải gánh một khoản nợ khổng lồ. Trên hết, AT&T đang triển khai “đầu tư với quy mô lớn so với lịch sử hoạt động vào 5G và cáp quang” để mở rộng hệ thống mạng của hãng, theo Giám đốc tài chính Pascal Desroches.

Gánh nặng nợ nần đi cùng với chi tiêu vốn lớn bất thường có thể đặt AT&T vào tình thế bấp bênh về tài chính. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý I năm 2023 đã cho thấy một số xu hướng tích cực. Tuy nhiên, báo cáo này cũng xuất hiện một dấu hiệu cảnh báo.

Điểm sáng: Tăng trưởng khách hàng của AT&T

Ngoài tỷ suất cổ tức cao, AT&T còn là một cổ phiếu hấp dẫn vì lượng khách hàng tăng trưởng mạnh mẽ dưới thời CEO John Stankey, người đã tiếp quản vị trí này vào năm 2020. AT&T kết thúc quý I năm 2023 với 424.000 thuê bao điện thoại trả sau tăng ròng. Thuê bao di động trả sau là tệp khách hàng có giá trị nhất của ngành viễn thông.

Đây là quý thứ 11 liên tiếp công ty có thêm hơn 400.000 thuê bao điện thoại trả sau. Điều này trái ngược với thời điểm năm 2019, trước khi Stankey lên nắm quyền, trung bình mỗi quý AT&T chỉ ghi nhận thêm 121.000 thuê bao bổ sung vào mạng điện thoại trả sau.

ATT.jpg

Mức tăng trưởng khách hàng này đặc biệt ấn tượng khi xét đến tính chất cạnh tranh của thị trường viễn thông Mỹ. Vì 97% người trưởng thành ở nước này đã sở hữu điện thoại di động, nên để AT&T phát triển được lượng khách hàng, đa phần là họ phải lôi kéo người dùng của các đối thủ. Lịch sử tăng trưởng lượng thuê bao điện thoại trả sau trong nhiều năm cho thấy rằng hãng đang làm điều đó thành công, báo cáo quý I cũng cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2023.

Doanh thu từ bộ phận di động của AT&T trong Q1 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 20,6 tỷ USD. Điều này đã góp phần đẩy tổng doanh thu tăng 1,4% lên 30,1 tỷ USD.

Tín hiệu cảnh báo: Dòng tiền tự do của AT&T

Mặc dù AT&T thành công trong việc thu hút khách hàng mới và tăng doanh thu, nhưng dòng tiền tự do (FCF) quý I của công ty chỉ ở mức 1 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với con số 2,8 tỷ USD trong quý 1 năm 2022 và 4 tỷ USD trong quý 1 năm 2021. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại vì FCF là một chỉ báo cho khả năng chi trả cổ tức của công ty.

Ngoài ra, hồi quý 2 năm 2022, AT&T đã cắt giảm FCF mục tiêu cả năm từ 16 tỷ USD xuống còn 14 tỷ USD. Công ty có thể sẽ phải thực hiện một đợt cắt giảm dự toán tương tự vào năm 2023. Đây là một trong những lý do khiến cổ phiếu của AT&T đang ở gần mức thấp nhất trong 52 tuần.

Ngoài ra, chi phí xây dựng mạng 5G và cáp quang là rất lớn, và các dự án này tốn rất nhiều thời gian. Để giải quyết những yếu tố này, AT&T đã liên doanh với BlackRock vào ngày 11 tháng 5 để có nguồn vốn tài trợ và đẩy nhanh quá trình xây dựng mạng lưới cáp quang ở nhiều thành phố hơn trên nước Mỹ. Bất chấp mọi khoản đầu tư, mạng cáp quang vẫn chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong tổng doanh thu của AT&T, với 1,5 tỷ USD trên tổng doanh thu 30,1 tỷ USD trong Q1 của công ty.

Liệu điểm sáng có lu mờ được tín hiệu cảnh báo

Mặc dù tổng dòng tiền tự do thấp hơn trong Q1, ban giám đốc của AT&T đã nhắc lại rằng họ sẽ đạt được mục tiêu FCF năm 2023 là 16 tỷ USD. Stankey lưu ý rằng các khoản đầu tư vốn của công ty đã tăng lên so với năm trước trong Q1, dẫn đến FCF giảm xuống. Nhưng theo ông, những khoản đầu tư này sẽ được giữ ở mức vừa phải trong quãng thời gian còn lại của năm 2023, giúp công ty có thể đạt được mục tiêu 16 tỷ USD FCF.

Ngoài ra, trong triển vọng năm 2023, công ty dự báo doanh thu từ dịch vụ không dây sẽ tăng ít nhất 4%. AT&T đã đạt được mức tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong Q1 nhờ vào tăng trưởng lượng khách hàng, vì vậy đây là một khởi đầu thuận lợi.

Tuy nhiên, ban giám đốc AT&T cũng lưu ý rằng tình hình kinh tế vĩ mô đang ảnh hưởng đến chi tiêu của khách hàng. Ví dụ, một số người dùng đang trì hoãn nâng cấp điện thoại thông minh thế hệ cũ. Kết quả là, AT&T đang chứng kiến “một số tỷ lệ nâng cấp truyền thống và tỷ lệ mua sắm sụt giảm,” Stankey phân tích.

Tùy thuộc vào việc các điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ biến đổi như thế nào trong suốt năm 2023, AT&T có thể sẽ buộc phải cắt giảm dự báo dòng tiền tự do như đã từng làm vào năm 2022. Chỉ tiêu này quan trọng vì ảnh hưởng tới khả năng giảm nợ - ưu tiên chính trong năm 2023 của AT&T, và khả năng duy trì cổ tức.

Do đó, tại thời điểm này, nhà đầu tư không nên bỏ qua tín hiệu cảnh báo từ chỉ tiêu dòng tiền tự do. Tốt nhất là nhà đầu tư nên ngừng mua cổ phiếu AT&T, cho đến khi báo cáo quý 2 cho thấy liệu công ty có xu hướng đạt được FCF mục tiêu cho cả năm 2023 hay không. Hoặc, thay vào đó, hãy xem xét các cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao khác.

>>> Mời bạn đọc thêm: Gilead - Mã cổ phiếu chăm sóc sức khoẻ mang đến cổ tức trọn đời.

messenger